Ông Lưu Văn Hoàn (Hà Tĩnh) có hai thửa đất liền kề, đều có mục đích sử dụng là đất ở và đất trồng cây lâu năm. Ông tách một thửa có mục đích sử dụng là đất ở và đất trồng cây lâu năm, thửa còn lại là đất trồng cây lâu năm. Ông Hoàn hỏi, nay ông xin hợp hai thửa đất tách có được không? Nếu không được thì phải làm như thế nào?
Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời vấn đề này như sau:
Câu hỏi không rõ thửa đất đã được cấp Giấy chứng nhận hay chưa. Theo quy định tại Khoản 11, Điều 9 Thông tư số 24/2014/TT-BTNMT ngày 19/5/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, được sửa đổi bởi Khoản 1, Điều 2 Thông tư số 09/2021/TT-BTNMT ngày 30/6/2021 thì thành phần hồ sơ hợp thửa là phải có Giấy chứng nhận, cụ thể:
“11. Hồ sơ nộp khi thực hiện thủ tục tách thửa hoặc hợp thửa đất, gồm có:
a) Đơn đề nghị tách thửa hoặc hợp thửa theo Mẫu số 11/ĐK;
b) Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp”.
Theo Tiết a, Điểm 2.3, Khoản 2, Điều 8 Thông tư số 25/2014/TT-BTNMT ngày 19/5/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về bản đồ địa chính:
“a) Thửa đất được xác định theo phạm vi quản lý, sử dụng của một người sử dụng đất hoặc của một nhóm người cùng sử dụng đất hoặc của một người được nhà nước giao quản lý đất; có cùng mục đích sử dụng theo quy định của pháp luật về đất đai”.
Theo quy định tại Khoản 23, Điều 1 Nghị định số 148/2020/NĐ-CP ngày 18/12/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai thì điều kiện hợp thửa do UBND cấp tỉnh quy định, cụ thể:
“23. Bổ sung Điều 75a như sau:
Điều 75a. Quy định điều kiện tách thửa đất, hợp thửa đất và diện tích tối thiểu được tách thửa
UBND cấp tỉnh căn cứ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng và điều kiện cụ thể tại địa phương để quy định cụ thể điều kiện tách thửa đất, điều kiện hợp thửa đất theo từng loại đất và diện tích tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất”.
Theo BNEWS